Tin giáo dục

Nỗi buồn của bạn trẻ về giáo dục Việt Nam
06:19 | 13/08/2012
"Ăn, ngủ" với các môn thi khối A, nhưng Tuấn thất vọng khi kiến thức chuyên sâu Lý, Hóa ít được sử dụng khi vào đại học. Còn với những bạn chọn cánh cửa trung cấp, thời gian 3 năm học THPT là quá dài.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Thương mại, nộp hồ sơ khắp nơi nhưng Nguyễn Văn Hoài vẫn không xin được việc. Để tồn tại ở thành phố, cậu tạm xin vào làm nhân viên kỹ thuật tại một công ty ở khu công nghiệp Nam Thăng Long. Sau hai tháng làm việc, nhờ tiếp thu nhanh và hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoài được cất nhắc lên làm nhóm trưởng. Cậu dần cảm thấy, công việc kỹ thuật mới phù hợp với mình và quyết định gắn bó với khu công nghiệp.

"Nếu so sánh thu nhập thì lương của tôi hiện tại cao hơn nhiều so với vị trí công chức nhà nước mà tôi đã từng vất vả xin vào trước đó. Thế nhưng kiến thức 4 năm đại học ít được áp dụng, tấm bằng cử nhân kinh tế không thực sự hữu ích trong môi trường lao động hiện nay", Hoài nói.

Cậu tâm sự, sau khi tốt nghiệp THPT, năm đầu tiên Hoài thi rớt đại học. Ôn thi lại một năm, cậu đỗ vào ĐH Thương mại. Khi Hoài đang ngồi học trên ghế giảng đường thì Hùng - người bạn thân cấp 3 đã tốt nghiệp trung cấp Công nghiệp và đi làm.

Theo PGS Văn Như Cương, nền giáo dục của Việt Nam đang chệch hướng ở cả ba câu hỏi: Học để làm gì học cái gì và học như thế nào? Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Trong bối cảnh "thừa thầy, thiếu thợ," Hùng dễ dàng xin được việc làm ở khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội). Ngày Hoài tốt nghiệp đại học, Hùng mang hoa đến tặng bạn và báo tin mình được thăng chức trưởng nhóm kỹ thuật sản xuất. "Công việc thiên về kỹ thuật nên chỉ hai năm là tay nghề của Hùng đã rất khá. Sau khi lên làm trưởng nhóm, cậu ấy đi học liên thông đại học và hiện đã là phó phòng", Hoài nói.

Còn theo Hùng, ngành giáo dục nên chia 3 năm giáo dục THPT làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2 năm) và giai đoạn 2 (1 năm). Những bạn có lực học vừa phải có thể chỉ cần học xong giai đoạn 1 sau đó học trung cấp nghề, cao đẳng. Giai đoạn 2 với kiến thức sâu hơn chỉ dành cho những ai thi đại học.

Từng học ngày học đêm để thi vào ĐH Ngoại thương, Trịnh Anh Tuấn (Hà Nội) cũng cho rằng, kiến thức Lý Hóa chuyên sâu phổ thông hầu như không được sử dụng trong ngành Quản trị Kinh doanh. Theo Tuấn, chương trình phổ thông hiện nay có khối lượng kiến thức khổng lồ, ôm đồm nhưng thiếu thực tế, thiếu định hướng. Sau khi tốt nghiệp THPT, mỗi học sinh có con đường riêng, có người chọn ngành không cần dùng đến kiến thức phổ thông chuyên sâu.

"Nhìn em trai đang ngày đêm cày những bài Lý, Hóa để thi Ngoại thương giống mình ngày xưa tôi thấy thật lãng phí thời gian, công sức. Nếu chương trình hợp lý hơn, tính thực tế cao hơn thì...", Tuấn nói.

Sinh ra ở Tiền Giang, Châu Sương cùng gia đình sang định cư ở Canada khi cô bắt đầu học lớp 8. Mặc dù phải ở trường cả ngày từ 9h tới 15h nhưng Sương cho biết chương trình học nhẹ hơn ở Việt Nam. Mỗi kỳ cô chỉ học 4 môn, một năm 8 môn. Không có trả bài mỗi ngày, thầy cô và học sinh không có khoảng cách.

Trung học ở Canada tính từ lớp 9 tới lớp 12, khi đạt được điểm trung bình cho tất cả các môn bắt buộc thì sẽ được tốt nghiệp trung học. Sau đó, học sinh sẽ chọn trường đại học hoặc cao đẳng để học tiếp mà không cần thi. Tất nhiên, mỗi trường có một khung điểm khác nhau để nhận sinh viên mới, học sinh có điểm tốt nghiệp cao được vào các trường danh giá, và điểm thấp hơn thì vào trường tốp dưới hay cao đẳng. Đa số trường đại học sẽ cấp học bổng nếu học sinh có điểm tốt nghiệp trung học trên 80 điểm.

Vừa tốt nghiệp ĐH RMIT (Australia) trong 2,5 năm, Nguyễn Phước Bảo Trí được miễn 8 môn vì trước đó đã học chương trình cao đẳng của trường tại Việt Nam. Nếu tiếp tục học thạc sĩ, cậu sẽ mất thêm 1-1,5 năm và số năm tăng lên tương ứng với các bậc học cao hơn.

"Cùng một tấm bằng đại học, thạc sĩ nhưng ở Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn trong khi chất lượng thì không thể so sánh với các nước châu Âu. Nguyên nhân thời gian học ở nước ngoài ngắn hơn Việt Nam vì không tốn một năm đại cương và cấu trúc giáo dục linh hoạt hơn", Trí cho hay.

Theo PGS Văn Như Cương, nền giáo dục của Việt Nam cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc để cấu trúc hệ thống chương trình phổ thông. "Học sinh chỉ có con đường học xong lớp 9 thì lên THPT (3 năm), có bằng THPT thì thi đại học, trượt thì thi tiếp. Hệ thống đó không cung cấp được nguồn nhân lực thực sự cho xã hội khi "thợ" chúng ta đang rất thiếu", thầy Cương nói.

PGS Cương cho rằng, nên phân làm hai hướng để học sinh tốt nghiệp lớp 9 lựa chọn. Đó là học tiếp để lên những đại học tinh hoa và chương trình phổ thông có dạy nghề để học trung cấp, nghề. Hiện nay học sinh phải học 12 năm để có bằng phổ thông (trong khi trước đây chỉ có 9 năm), ở một số nước chỉ mất 10, 11 năm. Chương trình THPT quá ôm đồm nhiều kiến thức, có những kiến thức chuyên sâu mà các em học tiếp trung cấp, cao đẳng, thậm chí đại học không cần dùng tới.

"Giáo dục phải đi liền với câu hỏi "học để làm gì" thì mới thực chất. Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần cải cách chương trình, cách thức tổ chức bậc học THPT", thầy Cương đề xuất.

Hoàng Thùy

Các tin khác

THÔNG TIN MỚI